giới thiệu
Câu lạc bộ Công An Hà Nội là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, tồn tại từ năm 1956 đến khi bị giải thể và chuyển giao vào năm 2002. Đội bóng được đặt dưới sự chủ quản của Công an thành phố Hà Nội, và đạt nhiều thành tích trong thời gian tồn tại. Năm 2022, câu lạc bộ Công an Hà Nội được tái lập từ sự chuyển giao của câu lạc bộ Công an Nhân dân.
Những năm 80, 90 của thế kỷ 20 là thời kỳ thịnh hành của các đội bóng Công an, khi các đội bóng này gặt hái được nhiều thành tích lớn. Năm 1989 chẳng hạn, có đến 6 đội bóng của ngành công an có mặt ở giải A1 Toàn quốc. Đến đầu những năm 2000, khi nền bóng đá dần chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, thì cũng như các đội bóng của các ngành, các lĩnh vực truyền thống khác, các đội bóng Công an dần thu hẹp, rồi được chuyển phiên hiệu. Ví dụ như Công an Hà Nội (CAHN) được chuyển giao cho Hàng không Việt Nam. Công an Hải Phòng được chuyển cho Thép Việt Úc Hải Phòng, Công an TP.Hồ Chí Minh được chuyển cho Ngân hàng Đông Á.
Nhưng rồi bóng đá Công an cũng phục sinh. Ngày 7 tháng 4 năm 2008, thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an đã quyết định thành lập Đội bóng đá Công an Nhân dân. Lực lượng của đội bóng mới của ngành Công an được xây dựng trên cơ sở tập hợp nhiều cựu danh thủ của các đội bóng công an địa phương trước đây: Minh Hiếu, Thanh Châu, Quốc Khánh, Trung Phong, Tuấn Thành, Việt Cường, Anh Dũng, Thanh Sơn (CAHN), Thiện Quang, Tuấn Hải (CA. TP. HCM), Trường Giang, Quang Diệu, Quang Hợp, Mạnh Hà, Tuấn Điệp (CAHP). Đội bóng CAND tham gia mùa bóng đầu tiên tại giải hạng Ba quốc gia 2008. Đến mùa giải 2009, đội mua lại suất chơi ở giải hạng Nhì của Quân khu 7. Tại Giải Hạng Nhì 2011, đội thi đấu không tốt và phải xuống hạng nhưng do mua lại suất thi đấu của Hà Tĩnh nên họ vẫn tham dự Giải Hạng Nhì 2012.
Tại Giải Hạng Nhì 2014, đội bóng vô địch và giành vé thăng hạng Giải Hạng Nhất 2015.Nhưng cuối mùa giải đó, đội đứng cuối bảng xếp hạng và phải quay trở lại Giải Hạng Nhì 2016.
Sau 2 năm vắng bóng, CAND trở lại thi đấu tại Giải Hạng Nhất 2018. Tuy nhiên, đội thi đấu không tốt, ở trận đấu cuối đội chỉ cầm hòa đối thủ giành vị trí play-off là TMS Bình Định với tỷ số 1–1 do kém 3 điểm so với đội xếp trên và phải xuống chơi tại Giải Hạng Nhì 2019. Tại mùa giải 2019, dù là một trong những đội bóng được đánh giá cao cho vị trí thăng hạng nhưng đội chỉ đứng thứ 3 tại bảng A và không giành được suất vào vòng chung kết thăng hạng.
Năm 2020, Bộ Công an đẩy mạnh xây dựng "Đề án phát triển Câu lạc bộ Bóng đá Công an Nhân dân theo hướng chuyên nghiệp"; công bố Quyết định của Bộ Công an quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Câu lạc bộ Bóng đá CAND; công bố Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá CAND. Theo đó, Thiếu tướng Lê Vân, thành viên Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá CAND; Đại tá Phan Vũ Minh, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị CAND giữ chức Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá CAND.
Tại Giải Hạng Nhì 2020, CAND đoạt ngôi đầu bảng B ở vòng bảng, tuy nhiên lại thất bại trước Phú Thọ và Gia Định ở vòng tranh vé tham dự giải hạng Nhất. May mắn cho họ, Gia Định xin không lên hạng Nhất, và CAND nghiễm nhiên giành suất tham dự Giải Hạng Nhất 2021. Năm 2020 cũng là năm chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của bóng đá Công an trên các đội tuyển trẻ quốc gia khi 4 cầu thủ của đội được triệu tập vào Đội tuyển U-19 Việt Nam tham dự Giải bóng đá U-19 Châu Á. Cuối tháng 11 năm 2022, sau khi được vô địch V.League 2 2022 và giành quyền thăng hạng V.League 1 2023, câu lạc bộ đã được Bộ Công an chuyển giao cho Công an TP Hà Nội và đổi tên là Công an Hà Nội.
danh hiệu
Nhìn lại lịch sử trên 40 năm xây dựng và trưởng thành (1956 tới năm đầu của thế kỷ 21) Đội bóng đá CAHN đã lập nhiều thành tích xuất sắc làm nức lòng nhân dân Thủ đô. Với 04 lần vô địch các giải, 4 lần đạt Á quân các giải quốc gia, 3 lần đoạt hạng 3 giải vô địch quốc gia.
Một ấn tượng sâu sắc đối với người hâm mộ bóng đá Thủ đô, đó là Đội bóng đá CAHN, đội bóng duy nhất ở Việt Nam thời đó đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Với nhũng thành tích cụ thể như sau:
Tiểu sử
1. Hoàn cảnh ra đời
Năm 1954, sau khi giải phóng miền Bắc, Đảng đoàn Bộ Công an, Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo đồng chí Nguyễn Văn Long (Giám đốc Công an Hà Nội lúc bấy giờ) cần nghiên cứu, xây dựng một đội bóng đá của Công an thành phố Hà Nội. Việc này Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã tham khảo ý kiến và được Bác sĩ Trần Duy Hưng (Chủ tịch Ủy ban hành chính TP Hà Nội lúc bấy giờ) tán thành. Sau thời gian chuẩn bị, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Bộ Công an, sau thời gian chuẩn bị, ngày 10-10-1956, Đội Bóng đá CAHN được thành lập.
2. Quá trình hoạt động
Ngay sau khi thành lập, Bộ Công an cử đồng chí Lê Viễn (lúc đó là cán bộ Phòng Thể dục thể thao của Bộ Công an) phối hợp với đồng chí Hoàng Nghĩa Đường (Cựu võ sĩ vô địch quyền anh Đông Dương) cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ Công an thành phố tổ chức, xây dựng đội bóng. Đây cũng là Đội bóng đá đầu tiên của lực lượng Công an và cũng là đội bóng đầu tiên của Thủ đô Hà Nội.
2.1. Lứa cầu thủ đội Bóng đá CATP Hà Nội, giai đoạn (1956 - 2002)
Giai đoạn 1956 - 1966: Lứa cầu thủ đầu tiên phần lớn là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an, một số là cầu thủ gốc Hà Nội sau ngày giải phóng như Nguyễn Mạnh Cường, Phan Đức u; một số cầu thủ đội Hoàng Diệu đưa sang: Thủ môn Nghĩa; Thủ môn A Loóc, cầu thủ Bùi Nghẽn, Lưu Đình Tòng, Nguyễn Huy Luyến, Nguyễn Thưởng, Nguyễn Văn Thìn (A), Bùi Hợi, Vũ Hợi, Tuất, Phú Tý…
Giai đoạn 1966 -1976 : Tô Hiền, Trần Đình Đức, Từ Như Thành, Từ Như Hiển, Nguyễn Ngọc Điệp, Nguyễn Minh Quang, Lê Văn Đặng, Trần Trung Hiếu....
Giai đoạn 1976-1990 : Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hùng, Trần Tuấn Sơn, Đoàn Văn Thọ ....
Giai đoạn 1990-2002 : Lã Xuân Thắng, Vũ Minh Hiếu, Bùi Hữu Lợi, Mai Tiến Dũng , Nguyễn Tuấn Thành, Hoàng Trung Phong, Lưu Thanh Châu...
Dù mới thành lập, song đội Bóng đá CAHN đã có một đội hình khá mạnh. Cuối năm 1956 đã tham gia giải Bóng đá hạng A toàn quốc. Năm 1957, lọt vào chung kết, thi đấu với đội Thể Công (Quân đội), chiến thắng với tỷ số 2-0 và giành ngôi vô địch. Đến năm 1959, lớp cầu thủ “đàn anh” giải nghệ, thay thế bằng thế hệ cầu thủ trẻ tài năng. Cùng với đội bóng đá Thể Công, đội bóng CATP Hà Nội là 1 trong 2 đội bóng đá mạnh nhất toàn quốc thời điểm bấy giờ.
Trong giai đoạn từ năm 1960 - 1970, đội bóng đá CAHN đã 02 lần giành chức vô địch hạng A1 toàn quốc (thắng đội Tổng cục Đường sắt trong trận chung kết năm 1964 với tỷ số 3-1 và đội Quân khu III với tỷ số 2-0 năm 1969).
Trong giai đoạn từ năm 1975 - 1986, đội Bóng đá Công an Hà Nội tiếp tục chiến thắng trước đội Thể Công với tỷ số (2-1) và giành chức vô địch Quốc gia lần thứ tư (năm 1984).
2.2. Sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo CATP đối với đội bóng đá CATP Hà Nội (giai đoạn 1990 - 2002)
Thời kỳ từ năm 1990 - 2002, do đồng chí Phạm Chuyên giữ chức vụ Giám đốc CATP và giao đồng chí Nguyễn Đức Nghi (Phó Giám đốc) phụ trách chỉ đạo đội bóng CAHN (trực thuộc Phòng Công tác chính trị từ năm 1993 cho đến lúc giải thể năm 2002), thời điểm đó, phòng Công tác chính tri do đồng chí Phạm Văn Yến là Trưởng phòng và giao đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng phòng trực tiếp phụ trách đội bóng.
Từ khi thành lập, đội bóng CAHN luôn được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Công an, Thành phố Hà Nội và Ban Giám đốc CATP. Trong giai đoạn này, đội bóng đá CAHN gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong khâu tuyển chọn và đào tạo vận động viên. Bên cạnh đó, lứa vận động trẻ tuy có năng khiếu nhưng không được đào tạo bài bản nên chưa đủ trình độ chuyên môn tham gia các giải đấu đỉnh cao. Để cổ vũ, động viên đội bóng, trước trong và sau mỗi mỗi trận đấu, Ban Giám đốc, Ban Chỉ huy phòng Công tác chính trị đều tham dự, quan tâm chỉ đạo kịp thời tiếp thêm động lực cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên thi đấu đạt phong độ tốt nhất.
Bên cạnh đó, để ghi nhận sự cống hiến của các thành viên đội bóng đối với phong trào thể thao Công an thủ đô, lãnh đạo CATP có chủ trương tạo điều kiện, tuyển dụng các vận động viên có năng lực, phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn chính trị đảm bảo tham gia vào lực lượng CAND (biên chế chính thức của CATP Hà Nội). Đối với các vận động viên hết thời kỳ thi đấu đỉnh cao, được giải quyết nghỉ theo chế độ hoặc đề xuất nguyện vọng cá nhân tiếp tục công tác tại các đơn vị trong CATP.
3. Giải thể
Đến thời kỳ chuyển giao cơ chế trong lĩnh vực bóng đá, việc duy trì đội bóng đá chuyên nghiệp trong ngành Công an không còn phù hợp. Năm 2002, đội bóng đá Công an Hà Nội bị giải thể và chuyển giao cho Hàng không Việt Nam tại mùa giải 2003, trước khi sáp nhập với một phần của LG-ACB để trở thành Câu lạc bộ bóng đá mang tên LG, Hà Nội ACB.
Tại giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ những ngày đầu, các thành viên đội bóng cũ vẫn luôn bám trụ tại hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam. Từ năm 2006, đội mang tên mới sau khi sáp nhập là Câ lạc bộ Bóng đá Hà Nội. ACB